Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tình huống:

Thảo vốn không quen biết ai làm trong các cơ quan nhà nước nhưng với khả năng hoạt ngôn, khoe có nhiều mối quan hệ rộng trong xã hội, Thảo đi nói với nhiều người rằng mình có khả năng xin cho con họ vào làm việc tại sân bay với giá 600 triệu đồng.  Do có nhiều người tin theo nên đã giao cho Thảo.

Từ năm 2014 đến năm 2016, Thảo đã nhận của bà Lan số tiền là 600 triệu đồng để xin việc cho con gái bà Lan  vào làm tại bộ phận an ninh soi chiếu. Nhưng chờ đợi mãi vẫn không thấy con mình được đi làm như Thảo hẹn, bà Lan mới tìm hiểu thì được biết sân bay không có chỉ tiêu để tuyển dụng và cũng không có việc nhận tiền của người xin việc. Bà Lan đòi tiền lại thì Thảo cứ hẹn hết lần này đến lần khác sau đó bỏ trốn. Nay bà Lan muốn tố cáo Thảo ra công an thì bà phải làm thế nào?

Chào bạn tôi xin tư vấn, trả lời bạn như sau:
Theo như tình tiết bạn cung cấp cho hành vi của bà Thảo có yếu tố cấu thành tội phạm lừa đảo theo quy định tại điều 139 Bộ Luật hình sự 1999 (BLHS sửa đổi bổ sung năm 2009) có quy định:
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Như thế nào là tội phạm, BLHS có quy định tại Chương III – Phần Tội phạm có quy định như sau:
Điều 8. Khái niệm tội phạm
1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa….
Để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi vi phạm phải đáp ứng các yếu tố: “dùng thủ đoạn gian dối” và “chiếm đoạt tài sản của người khác”.
Bốn yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm:
1. Khách thể của tội phạm: Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
2. Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.
3. Mặt khách quan của tội phạm: Mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm hữu trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản đó một cách gian dối. Đó là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản tin là sự thật nên đã tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối để họ chiếm đoạt. Hai dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này là hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt.
Về hành vi: Có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản:
– Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.
– Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối.
Lưu ý: Thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa giao tài sản cho kẻ phạm tội hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận.
Như vậy, thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm 2 dấu hiệu là:
(1) Người phạm tội đã có hành vi gian dối như bằng lời nói, hành động hoặc những thủ đoạn khác nhằm cung cấp những thông tin sai lệch về sự việc (nói dối, trái sự thật, nói không thành có, nói ít thành nhiều, tẩy xóa con số để được nhiều hơn) … ;
(2) Chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đã nhầm tưởng, tin vào các thông tin không đúng sự thật đó nên đã tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền quản lý tài sản cho người phạm tội. Thỏa mãn 2 yếu tố này mới cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
4. Mặt chủ quan của tội phạm: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác do mình thực hiện hành vi là gian dối, trái pháp luật. Đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái pháp luật và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

Từ những căn cứ luật và nội dung chúng tôi đã viện dẫn trên, theo chúng tôi tại thời điểm này bà Lan làm đơn tố cáo bà Thảo ra Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) công an huyện nơi bà Thảo cư trú để yêu cầu giải quyết vụ việc, căn cứ vào nội dung đơn và các chứng cứ kèm theo CQĐT sẽ tiến hành xác minh và khi thấy có dấu hiệu tội phạm thì CQDT sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra.

Nội dung đơn tố cáo bà cần ghi cần ghi ngắn gọn, nêu tóm tắt các tình tiết của vụ việc, yêu cầu Cơ quan CSĐT giải quyết những vấn đề gì…trong đơn cần thể hiện địa chỉ và số điện thoại để liên hệ, gửi kèm theo đơn bản photo các chứng cứ tài liệu thể hiện bà Thảo nhận tiền… Trong trường hợp Cơ quan CSĐT yêu cầu nộp bản gốc cần yêu cầu lập thành Biên bản và ghi rõ tên từng loại giấy tờ gốc và bà  giữ lại 01 Biên bản đó). Khi gửi đơn tố giác tội phạm bà nên gửi trực tiếp đến trụ sở Cơ quan CSĐT và lấy giấy biên nhận hoặc có xác nhận của chiến sĩ Công an khi trực tiếp nhận đơn, hoặc nếu không có điều kiện đi lại, bà có thể gửi đơn qua đường bưu điện và lấy báo phát.


CÔNG TY LUẬT Đ&C ĐÀ NẴNG

>> Luật Sư tư vấn pháp luật Gọi: 0932 50 52 82

>> Luật sư tư vấn pháp luật qua Email : lscuongdn@gmail.com

>> Tham khảo dịch vụ luật sư và kiến thức http://luatminhtam.com

>> Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.