Một số điểm mới về thừa kế của Bộ luật dân sự 2015 (Phần 2)

Bộ luật dân sự 2015 có những điểm mới cơ bản về thừa kế và di chúc như sau: Phần 2

Thứ tư, về thời hạn, thời hiệu

  1. Thời hạn từ chối nhận di sản (Điều 620 BLDS 2015)

Theo quy định của BLDS 2005 người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối vơi người khác. BLDS 2015 đã sửa đổi, bổ sung thêm hai nội dung sau:

-Chủ thể phải gửi văn bản từ chối nhận di sản: Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi văn bản này cho những người thừa kế khác, người phân chia di sản và cho người quản lý di sản. BLDS 2015 không quy định người từ chối nhận di sản phải gửi văn bản từ chối cho cơ quan công chứng và UBND xã, phường.

-Thời hạn từ chối nhận di sản : Thay vì quy định thời hạn từ chối nhận di sản là 6 tháng, kể từ ngày mở thừa kế theo khoản 3 Điều 642 BLDS 2005, khoản 3 Điều 640 BLDS 2015 quy định “Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản” nghĩa là người thừa kế có thể từ chối nhận di sản vào bất kỳ thời điểm nào trước khi phân chia di sản, nhưng thời hạn này phải trong thời hiệu thừa kế (Điều 623 BLDS 2015) tức là 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản.

  1. Thời hiệu thừa kế (Điều 623 BLDS 2015)

Theo Điều 645 BLDS 2005 thời hiệu khởi kiện về thừa kế được tính từ thời điểm mở thừa kế và chia thành 4 loại:

  • + Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 10 năm;
  • + Thời hiệu yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình là 10 năm;
  • + Thời hiệu bác bỏ quyền thừa kế của mình là 10 năm;
  • + Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm.

Điều 623 BLDS 2015 giữ nguyên tinh thần về thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm (khoản 2) và thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm ( khoản 3), kể từ thời điểm mở thừa kế. Riêng thời hiệu yêu cầu chia di sản, BLDS 2005 quy định chung là 10 cho cả về động sản và bất động sản. Hết thời hạn là 10 năm mà những người thừa kế không khởi kiện chia di sản thì sẽ hết thời hạn khởi kiện và khi có khởi kiện ra Tòa yêu cầu chia di sản thì Tòa án sẽ không thụ lý giải quyết, và hậu quả pháp lý là di sản thừa kế thuộc về ai thì BLDS 2005 lại chưa quy định. Điều này dẫn đến nhiều tài sản do hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế nên không đăng ký được quyền sở hữu, “bị treo”, và gặp khó khăn khi giao dịch dân sự. Để khắc phục tình trạng này, BLDS 2015 quy định “Nếu sau thời hạn 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản, kể từ thời diểm mở thừa kế mà những người thừa kế không yêu cầu chia di sản thì di sản thừa kế sẽ được xử lý như sau:

+ Nếu di sản đang được người thừa kế quản lý thì di sản đó sẽ thuộc quyền sở hữu của người thừa kế (điểm a khoản 1 Điều 623)

+ Nếu di sản không do người thừa kế quản lý thì “Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này. Quy chiếu về Điều 236 như sau “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu đối với tài sản đó kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”

+ Nếu di sản không có người thừa kế và cũng không có người đang chiếm hữu thì di sản đó sẽ thuộc về nhà nước (điểm b khoản 1 Điều 623)

Thứ năm, về thời hạn hạn chế phân chia di sản (Điều 661 BLDS 2015)

Theo quy định của BLDS 2005 thì người lập di chúc hoặc những người thừa kế thể hiện ý chí về việc phân chia di sản nhưng nếu việc chia di sản đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia trong thời hạn không quá 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Giữ nguyên tinh thần trên và theo hướng nhân đạo hơn, BLDS 2015 bổ sung theo hướng thời hạn hạn chế phân chia di sản có thể gấp đôi (6 năm). Nghĩa là hết thời hạn 03 năm trên mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yê cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 3 năm.

Thứ sáu, BLDS 2015 đã bỏ quy định liên quan đến di chúc chung của vợ chồng

Tuy nhiên, cũng không cấm vợ chồng lập di chúc chung và có thể áp dụng nguyên tắc chung về di chúc để xác định hiệu lực chung của di chúc. Theo đó, trường hợp vợ chồng có lập di chúc chung thì di chúc chung này không vô hiệu nếu đảm bảo về di chúc hợp pháp và điều kiện về hình thức của di chúc theo như quy định trong BLDS.


CÔNG TY LUẬT Đ&C ĐÀ NẴNG

>> Luật Sư tư vấn pháp luật Gọi: 0932 50 52 82

>> Luật sư tư vấn pháp luật qua Email : lscuongdn@gmail.com

>> Tham khảo dịch vụ luật sư và kiến thức http://luatminhtam.com

>> Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.