Công văn hướng dẫn về hòa giải, đối thoại (P.1)

TANDTC vừa ban hành Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11-10-2018 hướng dẫn về nghiệp vụ hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính áp dụng trong quá trình triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Xin giới thiệu những nội dung chính của Công văn nói trên như sau.

1.Thủ tục nhận và chuyển đơn khởi kiện đến Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Ngay sau khi nhận đơn khởi kiện vụ án dân sự, đơn khởi kiện vụ án hành chính và tài liệu, chứng cứ kèm theo (sau đây gọi tắt là hồ sơ vụ việc), Tòa án phải chuyển đơn khởi kiện cho Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trừ trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, vụ việc không được hòa giải, đối thoại theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính hoặc khi nộp đơn khởi kiện, người khởi kiện không đồng ý hòa giải, đối thoại tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đồng thời, Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án có thể nhận đơn yêu cầu hòa giải, đối thoại của các bên tranh chấp, khiếu kiện.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc, Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải phân công một Hòa giải viên, Đối thoại viên xem xét, tiến hành hòa giải, đối thoại, phù hợp với chuyên môn, kinh nghiệm của Hòa giải viên, Đối thoại viên. Trong quá trình hòa giải, đối thoại, nếu Hòa giải viên, Đối thoại viên được phân công không thể tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ thì Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án phân công Hòa giải viên, Đối thoại viên khác thực hiện nhiệm vụ.

Trường hợp sau khi nhận hồ sơ vụ việc, Hòa giải viên, Đối thoại viên cho rằng vụ việc thuộc trường hợp không được hòa giải, đối thoại theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính thì phải báo cáo ngay Giám đốc Trung tâm để xem xét. Ngay sau khi được báo cáo, Giám đốc Trung tâm xem xét và tùy từng trường hợp xử lý như sau:

  1. Nếu vụ việc thuộc trường hợp được hòa giải, đối thoại theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính thì Giám đốc Trung tâm yêu cầu Hòa giải viên, Đối thoại viên tiếp tục tiến hành hòa giải, đối thoại;
  2. Nếu vụ việc thuộc trường hợp không được hòa giải, đối thoại theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính thì Giám đốc Trung tâm yêu cầu Hòa giải viên, Đối thoại viên chuyển hồ sơ vụ việc cho Tòa án trong trường hợp nhận hồ sơ từ Tòa án.

Trường hợp sau khi nhận được hồ sơ vụ việc, Hòa giải viên, Đối thoại viên cho rằng vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức khác hoặc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nơi Trung tâm có trụ sở thì phải báo cáo Giám đốc Trung tâm. Ngay sau khi được báo cáo, Giám đốc Trung tâm xem xét và tùy từng trường hợp xử lý như sau:

  1. Nếu vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nơi Trung tâm có trụ sở thì Giám đốc Trung tâm yêu cầu Hòa giải viên, Đối thoại viên tiếp tục tiến hành hòa giải, đối thoại.
  2. Nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức khác hoặc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nơi Trung tâm có trụ sở thì Giám đốc Trung tâm yêu cầu Hòa giải viên, Đối thoại viên chuyển hồ sơ vụ việc cho Tòa án trong trường hợp nhận hồ sơ từ Tòa án.

Sau khi nhận lại hồ sơ vụ việc, Tòa án tiến hành thủ tục xử lý đơn khởi kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Người khởi kiện không phải nộp lệ phí hòa giải, đối thoại. (Theo Tạp chí tòa án)


CÔNG TY LUẬT Đ&C ĐÀ NẴNG

>> Luật Sư tư vấn pháp luật Gọi: 0932 50 52 82

>> Luật sư tư vấn pháp luật qua Email : lscuongdn@gmail.com

>> Tham khảo dịch vụ luật sư và kiến thức http://luatminhtam.com

>> Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.