Giải quyết ly hôn với một bên đang bị truy nã
Hiện nay đang có hai quan điểm khác nhau về giải quyết ly hôn với một bên đang bị truy nã như sau:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 và Luật Hôn nhân và gia đình (LHNGĐ) 2014 không có quy định cụ thể thủ tục giải quyết cũng như căn cứ cho ly hôn đối với trường hợp có một bên đang bị truy nã. Do đó, khi một bên vợ/chồng xin ly hôn với bên chồng/vợ đang bị truy nã thì trước khi giải quyết ly hôn, phải thực hiện tuyên bố một người mất tích.
Trường hợp quá thời hạn 02 năm kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định truy nã, bên còn lại có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố người bị truy nã mất tích theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015.
Khoản 1 Điều 68 BLDS 2015 quy định: “Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích”.
Sau khi quyết định tuyên bố mất tích có hiệu lực pháp luật thì bên còn lại khởi kiện yêu cầu ly hôn theo quy định tại điều 51 LHNGĐ 2014 và Tòa án áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật HNGĐ 2014 để giải quyết, cụ thể là: “2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn” .
- Quan điểm thứ hai cho rằng: Do người bị truy nã không còn ở tại địa phương và không xác định được địa chỉ của họ, do đó, căn cứ đoạn thứ 3 điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015, Tòa án trả lại đơn khởi kiện, không thụ lý giải quyết với lý do không có địa chỉ của bị đơn; trường hợp đã thụ lý thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015; Việc giải quyết ly hôn chỉ có thể giải quyết được khi người bị truy nã ra đầu thú hoặc bị bắt.
Hai quan điểm nêu trên đều không đúng. Bởi lẽ, “truy nã” là việc cơ quan có thẩm quyền quyết định truy tìm tung tích, bắt giam trở lại đối với người vi phạm pháp luật hình sự (bị can, bị cáo, bị án) bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và đã được cơ quan có thẩm quyền tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả. Mặc dù, không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định thế nào là “biệt tích” nhưng có thể hiểu “biệt tích” trong chế định tuyên bố một người mất tích là yếu tố khách quan và người biệt tích không cố ý bỏ trốn, lẩn tránh, còn truy nã là trường hợp người phạm tội (bị can, bị cáo, bị án) cố tình lẩn trốn, hoàn toàn do ý chí chủ quan của họ.
Theo Điều 68 BLDS 2015, thời hạn biệt tích 2 năm trong tuyên bố một người mất tích được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó. Trong khi đó, Điều 27 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định: “Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ”. Điều này có nghĩa là, thời gian họ trốn tránh và bị truy nã không được trừ vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, không thể xem thời gian đã truy nã như căn cứ “đã biệt tích 02 năm” để tuyên bố người đó là mất tích và giải quyết ly hôn như quan điểm thứ nhất được.
Thực tiễn xét xử, Tòa án không tuyên bố một người mất tích hoặc đã chết trong trường hợp người đó đang bị truy nã hoặc Tòa án có tuyên bố một người mất tích hoặc đã chết trong trường hợp người đó đang bị truy nã thì quyết định của Tòa án cũng bị kháng nghị, bị Tòa án cấp trên hủy vì lý do người đó đang bị truy nã.
Mặt khác, có thể thấy ly hôn là một trong các quyền cơ bản của quyền con người. Quyền này được quy định tại khoản 1 Điều 36 Hiến pháp năm 2013 như sau: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn…”. Cụ thể hóa quy định này của Hiến pháp, khoản 1 Điều 39 BLDS 2015 quy định: “Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn,…”; khoản 1 Điều 51 Luật HNGĐ 2014 quy định: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”.
Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Với quy định này, quyền con người, quyền công dân nói chung và quyền ly hôn nói riêng chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật và việc hạn chế đó phải là trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Khoản 2 Điều 51 LHNGĐ 2014 quy định: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. Với quy định này của Luật HNGĐ 2014 thì người chồng không có quyền khởi kiện xin ly hôn trong các trường hợp: Vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Trong các trường hợp này, nếu người chồng nộp đơn khởi kiện xin ly hôn thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015.
Từ các quy định nêu trên, có thể khẳng định quyền ly hôn với một bên đang bị truy nã không thuộc trường hợp bị hạn chế theo quy định của luật. Vì vậy, không thể có việc một bên đang bị truy nã, bên còn lại không thể ly hôn mà phải chờ tới khi bên bị truy nã ra đầu thú hoặc bị bắt mới giải quyết như quan điểm thứ hai được. (tạp chí tòa án)
CÔNG TY LUẬT Đ&C ĐÀ NẴNG
>> Luật Sư tư vấn pháp luật Gọi: 0932 50 52 82
>> Luật sư tư vấn pháp luật qua Email : lscuongdn@gmail.com
>> Tham khảo dịch vụ luật sư và kiến thức http://luatminhtam.com
>> Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.