Tư vấn về yêu cầu giám định trong vụ án dân sự

Bà Trần Thị C hỏi như sau:

Tôi đang là bị đơn trong vụ án dân sự, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vừa qua, nguyên đơn có cung cấp cho Hội đồng xét xử một chứng cứ và khi trực tiếp xem chứng cứ do nguyên đơn mới cung cấp đó, được coi là tài liệu gốc, quan trọng cho vụ án này, tôi phát hiện và khẳng định chứng cứ này là tài liệu giả vì tôi không ký trực tiếp vào tài liệu này, tôi nhận định phần chữ ký và  viết  tên tôi trong tài liệu này là không phải của tôi. Sau khi tôi có ý kiến như vậy, Tòa án đã tạm dừng phiên tòa sơ thẩm.

Xin tư vấn cho tôi trong trường hợp này (sau khi phiên tòa tạm dừng) tôi có thể tự yêu cầu giám định (tổ chức giám định do tôi lựa chọn) hoặc đề nghị cơ quan điều tra hình sự giải quyết không?

Trả lời:

  1. Theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS), kết luận giám định được tiến hành bằng hai hình thức gồm: Trưng cầu giám định và yêu cầu giám định. Trưng cầu giám định chỉ do Tòa án, người tiến hành tố tụng thực hiện. Còn yêu cầu giám định là quyền của đương sự sau khi đã đề nghị Tòa án, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận, nhưng quyền này (quyền tự yêu cầu giám định) chỉ được thực hiện trong trường hợp trước khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử (khoản 1 điều 102 BLTTDS).
  2. Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự.

+ Trong trường hợp của bà, Tòa án đã đưa vụ án ra xét xử và ngay tại phiên tòa bà cho rằng chữ viết và ký của bà trên tài liệu do nguyên đơn đưa ra là giả mạo do đó áp dụng các quy định sau:

– Căn cứ vào Các Điều điều 102, điều 103 BLTTDS 2015 quy định như sau:

Điều 102. Trưng cầu giám định, yêu cầu giám định

Tại khoản 2 quy định:

K2. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định. Trong quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của người giám định, đối tượng cần giám định, vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận của người giám định.

Điều 103. Trưng cầu giám định chứng cứ bị tố cáo là giả mạo

1. Trường hợp chứng cứ bị tố cáo là giả mạo thì người đưa ra chứng cứ đó có quyền rút lại; nếu không rút lại thì người tố cáo có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Tòa án có quyền quyết định trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 102 của Bộ luật này.
2. Trường hợp việc giả mạo chứng cứ có dấu hiệu tội phạm thì Tòa án chuyển tài liệu, chứng cứ có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
3. Người đưa ra chứng cứ được kết luận là giả mạo phải bồi thường thiệt hại nếu việc giả mạo chứng cứ đó gây thiệt hại cho người khác và phải chịu chi phí giám định nếu Tòa án quyết định trưng cầu giám định./.

Như vậy, căn cứ những quy định trên, bà làm Đơn yêu cầu giám định tài liệu gửi thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa, sau đó tạm ứng chi phí giám định (theo yêu cầu của Tòa án), trong nội dung đơn bà cần nói rõ yêu cầu giám định tài liệu mà bà cho là giả mạo và nêu cụ thể việc cần giám định những vấn đề gì trong tài liệu (như chữ viết tên và ký),bà nêu tên tổ chức giám định tư pháp mà bà đề xuất để thẩm phán trưng cầu giám định, nếu bà không nêu tên một tổ chức giám định cụ thể thì Thẩm phán sẽ yêu cầu một tổ chức giám định để thực hiện việc giám định.

+ Nếu bà khẳng định chứng cứ trên là giả mạo và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bà có quyền yêu cầu Tòa áp dụng khoản 2 Điều 103 BL TTDS 2015 chuyển tài liệu, chứng cứ liên quan cho cơ quan điều tra xem xét theo pháp luật tố tụng hình sự và tạm đình chỉ vụ án theo Khoản 1 Điều 214 BLTTDS 2015.

+ Cuối cừng nếu có kết luận giám định chứng cứ là giả mạo, bà có quyền yêu cầu nguyên đơn là người cung cấp chứng cứ giả mạo phải bồi thường thiệt hại cho bà như chi phí phát sinh do phải tạm dừng phiên tòa, chi phí giám định mà bà đã ứng theo yêu cầu của Tòa.


CÔNG TY LUẬT Đ&C ĐÀ NẴNG

>> Luật Sư tư vấn pháp luật Gọi: 0932 50 52 82

>> Luật sư tư vấn pháp luật qua Email : lscuongdn@gmail.com

>> Tham khảo dịch vụ luật sư và kiến thức http://luatminhtam.com

>> Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.