Các điểm mới về thừa kế của Bộ luật dân sự 2015

Bộ luật dân sự 2015 có những điểm mới cơ bản về thừa kế và di chúc như sau: Phần 1

Thứ nhất, về quyền thừa kế

Điều 609 BLDS năm 2015 được bổ sung quy định mới về người thừa kế không là cá nhân được hưởng di sản thừa kế theo di chúc.  Quy định này đã hoàn thiện hơn và nhằm nhấn mạnh quyền tự định đoạt của người lập di chúc có quyền chỉ định một tổ chức hưởng di sản của mình sau khi chết. Nếu xét về quyền của người thừa kế thì người thừa kế là cá nhân có thể thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật. Nhưng quyền của người lập di chúc còn là quyền định đoạt tài sản của mình theo di chúc cho chủ thể khác ngoài cá nhân như Nhà nước, các tổ chức. Quy định này nhằm đảm bảo cho cá nhân, các tổ chức, nhà nước có quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc của người để lại di sản. Đồng thời cũng bảo đảm quyền tự định đoạt của cá nhân trong việc lập di chúc định đoạt tài sản của mình cho bất kỳ chủ thể nào.

Thứ hai, về Di sản thừa kế:

BLDS 2015 giữ nguyên tinh thần của Điều 634 BLDS 2005, nhưng đối với di sản thừa kế, người thừa kế ngoài quyền sở hữu tài sản như trên còn có quyền khác đối với tài sản như quy định tại Điều 159 BLDS 2015. Quyền khác đối với tài ản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.

Thứ ba, về Quyền của người quản lý di sản

Liên quan đến quyền của người quản lý di sản, Bộ luật dân sự 2015 đã có những bổ sung ghi nhận quyền của người quản lý di sản, cụ thể:

  1. Người quản lý di sản được thanh toán chi phí bảo quản di sản theo điểm c khoản 2 Điều 618. Ngoài ra tại Điều 658 BLDS 2015 chi phí thanh toán bảo quản di sản này còn được đưa lên vị trí ưu tiên thanh toán thứ ba thay vì thứ chín như Điều 683 BLDS 2005
  2. Người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý: Điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 640 BLDS 2005 mới dừng ở việc quy định người quản lý di sản được hưởng thù lao theo di chúc hoặc theo thỏa thuận với những người thừa kế mà không đề cập đến trường hợp giữa những người quản lý di sản và những người thừa kế không thỏa thuận được với nhau về việc trả thù lao thì sẽ giải quyết như thế nào. Khoản 3 Điều 618 BLDS 2015 quy định về vấn đề này như sau “ Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý”
  3. Người quản lý di sản có thể trở thành chủ sở hữu: Trong trường hợp di sản thừa kế hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 623 BLDS 2015. Cụ thể, thời hiệu để những người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm nếu di sản là bất động sản và 10 năm nếu di sản là động sản. Hết thời hiệu nêu trên, di sản thừa kế sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản hoặc người đang chiếm hữu “ngay tình, liên tục, công khai” hoặc thuộc nhà nước.

Vậy trước thời hạn 30 năm đối với di sản là bất động sản và 10 năm đối với di sản là động sản thì người thừa kế đang quản lý di sản hoặc người đang chiếm hữu “ngay tình, liên tục, công khai” có phải là người đang quản lý di sản? Xét về bản chất, họ chính là người quản lý di sản, vì người quản lý di sản có thể là: (1) Người được chỉ định trong di chúc; (2) người do những người thừa kế thỏa thuận cử ra; (3) Người đang chiếm hữu, quản lý, sử dụng di sản; (4) Là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Và như vậy, khi hết thời hiệu về thừa kế, di sản sẽ trở thtành tài sản của người quản lý di sản bất kể họ có phải là người thừa kế hay không.

Một số điểm mới về thừa kế của Bộ luật dân sự 2015 (Phần 2)


CÔNG TY LUẬT Đ&C ĐÀ NẴNG

>> Luật Sư tư vấn pháp luật Gọi: 0932 50 52 82

>> Luật sư tư vấn pháp luật qua Email : lscuongdn@gmail.com

>> Tham khảo dịch vụ luật sư và kiến thức http://luatminhtam.com

>> Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.