Hỏi đáp về Hôn nhân gia đình

Câu hỏi 1:

Do đánh bạc cá độ bóng đá, chồng tôi có vay tiền của một số người quen mà tôi không được biết. Nay Tòa án buộc chồng tôi phải trả tiền cho các chủ nợ. Xin cho hỏi pháp luật xử lý như thế nào về tài sản chung của chúng tôi?

Trả lời:

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì vợ chồng có quyền có tài sản riêng và tài sản chung, cũng như nghĩa vụ về phần tài sản của minh như sau:

“Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

  1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Điều 44. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng

  1. Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

  1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
  2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
  3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung

Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

  1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
  2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
  3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
  4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
  5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
  6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”

Do đó, nếu chồng bà vay tiền của người khác để tiêu pha, đánh bạc mà bà không biết và việc này không vì nhu cầu thiết yếu của gia đình thì chồng bà phải có trách nhiệm trả nợ cho các chủ nợ bằng tài sản riêng của chồng bà, nếu tài sản riêng không đủ thì lấy tài sản của chồng bà trong khối tài sản chung của gia đình để trả nợ.

Bản án của Tòa án tuyên buộc chồng bà phải trả tiền nợ cho người khác đã có hiệu lực pháp luật mà chồng bà không tự nguyện thi hành nghĩa vụ thì có thể bị cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản là nhà đất để đảm bảo thi hành án.

Câu hỏi 2:

Trong vụ án ly hôn, vợ chồng có con chung 12 tuổi, nhưng người con này đã bỏ nhà đi, Tòa án không lấy được lời khai. Trường hợp này giải quyết như thế nào?

Trả lời:

Về nguyên tắc, khi vợ chồng ly hôn mà có con chung đủ 7 tuổi trở lên thì Tòa án phải lấy lời khai của người con đó để xem nguyện vọng của cháu muốn ở với bố hay mẹ. Ý kiến của cháu cũng là cơ sở để Tòa án xem xét khi quyết định việc giao con cho ai nuôi. Trường hợp cháu bỏ nhà đi, không có địa chỉ, không lấy được lời khai thì Tòa án cần hỏi vợ, chồng ai nhận nuôi cháu. Nếu cả hai cùng xin nuôi và có trách nhiệm tìm cháu thì Tòa án xem xét quyết định giao cháu cho một người có điều kiện tốt hơn nuôi cháu để đảm bảo cho cháu có một cuộc sống tốt đẹp. Nếu chỉ một bên xin nuôi thì Tòa án giao cháu cho người đó. Nếu cả hai đều từ chối việc nuôi con chung thì Tòa án vẫn phải xem xét và quyết định giao con cho một người nuôi. Như vậy vụ án ly hôn mới được giải quyết triệt để, vì nếu không giao con cho một người cụ thể nuôi thì cháu bé sẽ trở thành một người “không gia đình” và sẽ không có ai chịu trách nhiệm với cháu.

Câu hỏi 3:

Vợ chồng tôi kết hôn được gần 03 năm, đã có một con chung 4 tuổi, nay chúng tôi đang làm thủ tục xin ly hôn; chồng tôi không thừa nhận cháu bé là con của mình vì cho rằng cháu bé sinh ra trước khi chúng tôi kết hôn nên từ chối việc cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn. Xin Luật sư cho tôi hỏi việc chồng tôi không thừa nhận con và không nhất trí cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn có được tòa án chấp nhận không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về Xác định cha, mẹ thì:

“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

2.Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”

Như vậy, về nguyên tắc con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng; trong trường hợp người chồng không nhận đứa trẻ là con thì phải có chứng cứ để chứng minh và phải được tòa án có thẩm quyền xác định bằng một quyết định hoặc bản án.

– Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau ly hôn thì: “Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

Với quy định nói trên, sau khi ly hôn, nếu chồng bạn không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con; mức cấp dưỡng hai bên tự thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án khi giải quyết ly hôn.

Việc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con nếu không có lý do chính đáng (được tòa án xác định đứa trẻ không phải là con chung; không có thu nhập để cấp dưỡng…) thì sẽ không được tòa án chấp nhận

Xem thêm:

Hỏi – đáp Luật hôn nhân gia đình 2014


CÔNG TY LUẬT Đ&C ĐÀ NẴNG

>> Luật Sư tư vấn pháp luật Gọi: 0932 50 52 82

>> Luật sư tư vấn pháp luật qua Email : lscuongdn@gmail.com

>> Tham khảo dịch vụ luật sư và kiến thức http://luatminhtam.com

>> Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.